Đà mua vàng vẫn tăng
Sáng 4/4, theo đà tăng của giá vàng thế giới, các thương hiệu vàng trong nước cũng liên tục điều chỉnh giá vàng SJC và vàng nhẫn. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79,7 - 81,72 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước. Giá vàng nhẫn tròn trơn hiệu vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 71,12 - 72,32 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 690.000 đồng/lượng cả hai chiều.
Hiện tại, chính sách về quản lý thị trường vàng trong nước vẫn đang tiếp tục được bàn thảo, nghiên cứu. Tuy nhiên, hoạt động mua, bán vàng nhiều thời điểm còn nhộn nhịp hơn so với trước. Những ngày đầu tháng 4, lượng người đến để giao dịch tại các cửa hàng vàng nhộn nhịp hơn. Chị Minh Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) mua 3 lượng vàng nhẫn chia sẻ: “Vàng là một kênh đầu tư trong nhiều kênh đầu tư khác. Tôi quan sát, giá vàng thế giới vẫn có xu hướng tăng nên giá vàng trong nước có khả năng tăng theo. Hiện tại, giá vàng SJC tăng giảm chậm hơn vàng nhẫn nên tôi chọn mua vàng nhẫn”.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và mục tiêu đặt ra là sự ổn định.
Cơ chế quản lý thị trường vàng được ngóng đợi có nhiều điểm mới. Trong đó có quy định về cung cầu và độc quyền thương hiệu vàng miếng đã được đề xuất gỡ bỏ. Thế nhưng, theo đánh giá của một số chuyên gia, chỉ riêng việc gỡ bỏ độc quyền vẫn chưa thể giải quyết tận gốc chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới mà phải gia tăng nguồn cung và cần cả những cơ chế khác để thị trường vận động minh bạch, liên thông với thế giới.
Giá vàng, USD cùng “nhảy múa” những ngày đầu tháng 4 Ảnh: Như Ý |
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, bản chất giá cao là do cung - cầu. Vì vậy, việc bỏ độc quyền vàng miếng và cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng góp phần làm cho cung - cầu cân bằng, giá sẽ giảm xuống. “Khi giá được điều tiết sát hơn so với giá thế giới, hiện tượng nhập lậu vàng giảm bớt”, ông Lực nói.
Điều gì gây áp lực lên tỷ giá?
Ngày 4/4, giá mua bán USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.760 - 25.130 đồng/USD, tăng tới 710 đồng so với đầu năm. Eximbank niêm yết giá mua bán ở mức 24.770 - 25.160 đồng/USD, tăng 770 đồng so với đầu năm, tức tăng 3%. MBBank cũng đang niêm yết 24.830 - 25.190 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng dậy sóng với xu hướng tăng trở lại gần đây. Giao dịch USD chợ đen khoảng 25.440 - 25.540 đồng/USD là mức cao từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng khối phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng, bao gồm áp lực từ thị trường thế giới, cầu tín dụng yếu; nhập siêu lớn từ khu vực trong nước và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ tăng.
Trong đó, chỉ số đồng USD tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây khi thị trường cho rằng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, bất chấp các nền kinh tế khác bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Theo bà Liên, dù số lần cắt giảm lãi suất theo dự báo của Fed trong năm 2024 vẫn là 3 nhưng dời lại thời điểm cắt giảm lần đầu tiên”.
Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất USD neo ở mức cao lâu hơn và đồng USD mạnh hơn khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed. Tiền đồng VND còn chịu nhiều áp lực, đặc biệt khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp.
Dù ngân hàng đã hút tiền qua kênh tín phiếu từ ngày 11/3 để kiểm soát tỷ giá, tuy nhiên dựa trên khối lượng gọi thầu và lãi suất trúng thầu, bà Liên cho rằng, chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, tín dụng suy yếu bất chấp mặt bằng lãi suất liên tiếp thiết lập các mức thấp kỷ lục mới, điều này cho thấy tình hình không khả quan như kỳ vọng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm. Trong khi tổng lượng vàng khai thác trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đến từ đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu. Với số vàng tiêu thụ 50-60 tấn/năm, số USD phải bỏ ra hàng tỷ USD/năm và điều này gây áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới 13-20 triệu đồng/lượng. Đây là lỗ hổng lớn cho buôn lậu và khiến giá USD tăng mạnh.